Tin hoạt động

Doanh số của doanh nghiệp Nhà nước vẫn “phủ bóng” nền kinh tế

Thứ tư, 21/03/2012, 13:13 GMT+7

Ngay cả trong bối cảnh chịu áp lực cổ phần hóa thì tỉ lệ doanh số của tập đoàn kinh tế nhà nước trên tổng GDP của nước ta vẫn thuộc loại lớn nhất thế giới, lên tới 37,3%, vượt xa các nước khác.

Sáng nay (21/3), Tọa đàm Đối thoại chính sách Hướng tới một khung khổ chính sách kinh tế vĩ mô cho Việt Nam trong trung và dài hạn đã thu hút số lượng lớn các chuyên gia kinh tế đầu ngành trong và ngoài nước tham gia.
 
Trong bài trình bày, TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - tổ chức chủ trì buổi tọa đàm đã trích nguồn từ công trình nghiên cứu của TS Vũ Thành Tự Anh cho biết, ngay cả trong bối cảnh chịu áp lực cổ phần hóa thì tỉ lệ doanh số của 10 đại tập đoàn kinh tế Việt Nam trên GDP vẫn thuộc loại lớn nhất thế giới.
 
TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - ảnh: C.N.
 
Cụ thể, tỷ lệ này của Việt Nam lên tới 37,3%, chỉ đứng sau Hàn Quốc thời gian trước khủng hoảng, còn lại đều vượt xa các nước khác.
 
Một số ví dụ khác được dẫn ra có Trung Quốc (9,4%), Đài Loan (19%), Indonesia (25%), Brazil (8%), Argentina (11%) và Mexico (10%).
 
Trong khi đó, xét về mức độ phân tán/tập trung của các tập đoàn nhà nước thì Việt Nam cũng xếp vào hàng “vô địch”. Nếu ở Việt Nam, điểm số này là 6,4 thì Hàn Quốc chỉ là 1,7; Indonesia là 2,1; Philippines là 3,1, thậm chí Trung Quốc cũng chỉ mức 2,3.
 
Điều này, theo nhận định của nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, cho thấy một thực trạng khu vực tư nhân còn bị chèn ép và điều kiện phát triển vẫn còn khó khăn.
 
Các đại tập đoàn nhà nước đã tạo ra cái bóng rất lớn bao phủ nền kinh tế và dường như len lỏi vào mọi ngóc ngách đời sống. Hay nói cách khác, việc đầu tư tràn lan trên nhiều lĩnh vực ra nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau của doanh nghiệp nhà nước vẫn là một vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn.
 
Với quy mô và độ phủ lớn như vậy nhưng hệ số ICOR (hệ số sinh lợi từ dòng vốn đầu tư) của khu vực doanh nghiệp nhà nước lại cao hơn gấp đôi khu vực ngoài nhà nước, phản ánh hiệu quả đầu tư thấp.
 
Những nhân tố làm giảm chất lượng đầu tư thì cũng kìm hãm năng suất nền kinh tế, là nguyên nhân gây bất ổn kinh tế.
 
Và theo phân tích của TS Thành, hiện trạng này tạo ra một vòng tròn luẩn quẩn. Việc mở rộng đầu tư sẽ kéo dãn khoảng cách đầu tư  - tiết kiệm, kéo theo mở rộng tín dụng, gây ra lạm phát và dẫn đến bất ổn. Sau đó, các chính sách bình ổn lại được đưa ra, gây méo mó và lộ diện những vấn đề trong cấu trúc của nền kinh tế.
 
Tái cơ cấu: Vẫn không thể vội vàng
 
Tuy nhiên, mặc dù thừa nhận rằng, cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước và dành ưu tiên nhiều hơn cho khu vực tư nhân là nhiệm vụ tất yếu song TS Nguyễn Đức Thành cũng lưu ý, hoạt động tái cơ cấu cần được thực hiện từng bước, không thể “luôn và ngay” được.
 
Quá trình cải cách sẽ chỉ thành công khi khu vực doanh nghiệp tư nhân đã thực sự trở nên lớn mạnh, trưởng thành hơn. Còn trong điều kiện hiện tại thì vẫn cần nhà nước.
 
Nhận định này nhận được sự đồng tình của chuyên gia kinh tế trưởng World Bank cho rằng, tái cấu trúc phải có lộ trình nhất định, không thể vội vàng.
 
Trong phiên đối thoại trực tuyến mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khi nhìn nhận về vấn đề “chia việc” giữa khu vực tư nhân và khu vực Nhà nước cũng đã lưu ý rằng, do lực lượng tư nhân chưa có nhiều nguồn lực, nên không phải những gì Nhà nước mong muốn xã hội hóa thì tư nhân đều có thể đáp ứng được. Sự tham gia của tư nhân ngày càng chiếm vị trí quan trọng, nhưng cũng phải từng bước chứ không thể ngay lập tức.
 
Hiện tại, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ trọng đầu tư công đang giảm dần và “room” cho khối tư nhân đang mở rộng. Nếu như trong giai đoạn 2001 - 2005, tỷ trọng của đầu tư nhà nước chiếm 53,4% tổng đầu tư toàn xã hội, khối tư nhân chiếm 32,6% thì đến giai đoạn 2011-2015, dự kiến, tỷ trọng đầu tư công sẽ giảm xuống còn 37- 39% còn khối tư nhân sẽ tăng đóng góp lên 45- 46%.

Người viết : Dân trí